Sống với bố, cuộc sống của Loan thay đổi hẳn, cô gần như không thiếu thứ gì. Đôi khi mẹ cô vẫn lên thăm nhưng dường như cô không bày tỏ chút tình cảm nào với mẹ, cô lạnh nhạt và luôn luôn tỏ ra giận mẹ. Mỗi lần nhớ lại những lời nói dối của mẹ nó lại thấy vừa tủi thân vừa giận dữ. Còn mẹ cô, dù bao nhiêu năm qua đi mà dường như sự ân cần của mẹ vẫn không thay đổi, mẹ vẫn nhẹ nhàng với cô mà chưa một lần giải thích về những lời nói dối ấy.
Loan uể oải ngồi trong giảng đường với dáng bộ không mấy hợp tác với buổi học. Cô nổi bật trong lớp bởi vẻ xinh đẹp và cách ăn mặc khá thời thượng. Tan học, cô chỉ chờ có thế là phóng chiếc xe ga sành điệu về phòng trọ. Nói là phòng trọ nhưng đó là căn phòng đáng mơ ước của nhiều gia đình nhỏ. Căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, chưa kể là khá sạch sẽ vì được dọn dẹp hàng tuần bởi người giúp việc. Loan chỉ biết hưởng thụ, sử dụng những thứ trong phòng, việc duy nhất cô phải làm là nhấc điện thoại và gọi cho Bố mỗi khi cô thiếu hoặc cần gì.
Mang dáng vẻ mệt mỏi bước từng bậc cầu thang lên đến cửa phòng. Cô giật mình khi nhìn thấy một người phụ nữ ngồi trước cửa nhà với một vài đùm túi to nhỏ. Đó là mẹ cô, một người phụ nữ khắc khổ, bà già hơn so với tuổi, vẻ mặt buồn bã, đôi mắt nhìn cô với vẻ cầu xin điều gì đó. Cô lạnh nhạt nhìn bà như thể bà là một người dưng. Đó là cách mà cô đã đối xử với bà trong suốt nhiều năm qua.
Bố và mẹ cô chia tay từ khi cô lên 4 tuổi. Cho đến bây giờ cô cũng không hiểu vì sao mẹ cô lại ruồng bỏ một người đàn ông tốt như bố trong khi bố luôn luôn muốn ở bên mẹ. Hồi đó, nhà cô rất nghèo. Sau khi bố mẹ chia tay thì mẹ con cô càng trở nên thiếu thốn, mẹ phải lo chạy từng bữa ăn, vay từng bơ gạo.
Hồi ấy, Loan còn nhớ rất rõ mỗi lần theo mẹ đi chợ cô luôn ao ước những món đồ chơi nhỏ xinh, ao ước những món quà vặt ngon lành, ao ước một bữa cơm có đủ thịt cá… Nhưng mỗi lần cô xin mẹ mua thì luôn luôn nhận được những lời hứa kiểu như :
– Con búp bê ấy không đẹp, hôm sau mẹ đi chợ huyện mẹ sẽ mua cho con một con đẹp và to hơn.
– Kẹo đó toàn phẩm màu, con không nên ăn. Mai mẹ mua kẹo béo cho con.
– Con à, thịt đó ôi rồi, hôm nào chợ có thịt cá tươi mẹ sẽ mua cho con ăn.
Và thế là ngày này qua tháng khác cô vẫn cứ phải nghe đến “lần sau, hôm sau” của mẹ. Cô vẫn cứ phải làm bạn với con búp bê cũ rích, vẫn ăn những cái kẹo hiếm hoi mà bà ngoại cho mỗi lần bà đi lễ về, vẫn ăn những bữa cơm chỉ có rau và tóp mỡ. Ngày ấy cô gầy gò, xanh xao như người ốm vậy. Có hôm cô sang nhà hàng xóm chơi, thấy cô hàng xóm đang thái những miếng thịt nạc ngon lành, cô mon men lại gần :
– Cô ơi, cô mua thịt lợn tươi ở chợ nào để cháu về bảo mẹ cháu mua. Mẹ cháu bảo ở chợ mình toàn thịt ôi thôi nên không mua cho cháu ăn.
– Ôi dào, mẹ mày nói thế chứ ai người ta bán thịt ôi. Thịt ôi thì bán cho ai, ngày nào mấy bà hàng thịt chợ mình chẳng bán thịt ngon. Mẹ mày tiết kiệm không mua nên nói thế thôi. Chắc mẹ mày không thương mày rồi.
Nói rồi bà cô hàng xóm cười rũ rượi như chế giễu câu hỏi ngây ngô của Loan vậy. Một đứa trẻ vốn chỉ tin vào những lời của mẹ chợt có những suy nghĩ hoài nghi sau câu nói của cô hàng xóm. Từ hôm ấy Loan để ý mẹ thỉnh thoảng tối đến lại đem tiền ra đếm đếm, tính tính. Nó không biết là nhiều hay ít nhưng nó chắc chắn là mẹ có tiền. Nhưng tại sao mẹ lại không mua những thứ Loan muốn, mẹ đang giấu diếm gì ư? Vậy là Loan bắt đầu để ý mẹ. Loan thấy thỉnh thoảng mẹ lại đi mua về một bọc gì đó khá to, nhưng mẹ chưa bao giờ cho cô xem, mẹ luôn giấu nó và cất thật kĩ trong tủ rồi khóa lại. Một đứa trẻ như cô hồi ấy bắt đầu biết nghi ngờ và đặt những câu hỏi trong đầu rằng tại sao mẹ lại nói dối, lại không cho mình ăn, lại không thương mình?
Đêm đó cô thấy mẹ lại giở những đồng tiền xếp gọn gàng trong túi áo ra lẩm nhẩm tính. Cô biết chắc ngày hôm sau mẹ sẽ lại đi mua thứ gì đó. Trưa hôm sau cô giả vờ ngủ thật say để mẹ đi ra ngoài. Cô lấp trong nhà đợi đến khi mẹ về. Mẹ cầm trên tay một bọc gì đó được gói gọn gàng, bà rón rén bước vào vì tưởng rằng cô vẫn ngủ. Cô bất chợt đứng giữa nhà :
– Mẹ! Mẹ mua gì về? Mẹ cho con xem đi!
– À… đây là đồ của mẹ. Trẻ con không được xem. Để mẹ cất đi.
Câu nói của mẹ như có phần cương quyết. Loan nghĩ lại câu nói và giọng cười chế giễu của bà hàng xóm, Loan hét lên :
– Mẹ nói dối! Mẹ không thương con! Mẹ giấu con để mua đồ cho mẹ. Mẹ nói dối là thịt ôi, là kẹo không ngon để không mua cho con ăn. Mẹ lừa con! Con ghét mẹ! Cho con đi ở với bố!
Mẹ sững sờ trước phản ứng của một đứa trẻ như cô. Mẹ kéo chiếc khăn che mặt lau vội nước mắt rồi nhẹ nhàng:
– Con gái, mẹ xin lỗi! Mẹ thương con. Sau này con lớn hơn mẹ sẽ nói để con hiểu. Bây giờ con còn nhỏ….
– Con còn nhỏ nên mẹ mới nói dối con, mẹ chẳng thương con. Cho con đi ở với bố!
Bố cô khi đó đã cưới người phụ nữ khác và mở một xưởng gỗ, họ làm ăn rất thuận lợi và trở nên giàu có. Những ngày sau đó cô nằng nặc đòi đi với bố, cô ghét mẹ đến mức bỏ ăn. Vậy là mẹ đành chiều ý cô. Ngày bố về đón Loan đi, mẹ gần như không ăn không ngủ, mẹ chỉ khóc, khóc không thành tiếng. Nhưng Loan vẫn lạnh lùng, cô giận mẹ đến thấu tim, cô ghét mẹ vì mẹ đã nói dối trong khi luôn dạy cô phải sống thật thà.
Sống với bố, cuộc sống của Loan thay đổi hẳn, cô gần như không thiếu thứ gì. Đôi khi mẹ cô vẫn lên thăm nhưng dường như cô không bày tỏ chút tình cảm nào với mẹ, cô lạnh nhạt và luôn luôn tỏ ra giận mẹ. Mỗi lần nhớ lại những lời nói dối của mẹ nó lại thấy vừa tủi thân vừa giận dữ. Còn mẹ cô, dù bao nhiêu năm qua đi mà dường như sự ân cần của mẹ vẫn không thay đổi, mẹ vẫn nhẹ nhàng với cô mà chưa một lần giải thích về những lời nói dối ấy.
Lần này mẹ mang cho cô rất nhiều thứ: nào là mấy quả trứng gà, nào là ít khoai tây, ít đậu đen… Mẹ bảo toàn là thứ mẹ trồng được, nuôi được, mẹ dặn cô ăn uống đầy đủ sạch sẽ chứ đừng ăn lung tung ngoài hàng quán. Cô chỉ ậm ừ cho qua, cô bảo thành phố chả thiếu gì mà mẹ phải mang lên. Cô chẳng mặn mà gì với những thứ mà mẹ cô đã cặm cụi mang từ quê lên. Cô nói là bận và bảo mẹ cô về đi. Sau lần đó, mẹ về quê và gần như không liên lạc với cô.
Một chiều mùa thu tháng 8, Loan lang thang khắp phố phường, thả mình theo những cơn gió thu mát dịu ở ngoại thành. Không hiểu sao hôm ấy Loan thấy buồn và cô đơn đến lạ. Bao năm qua cô đã sống trầm lắng và yên ả quá, trong lòng dường như không có chút tư lự, vui buồn nào quá lớn ngoại trừ việc Loan vẫn mang trong mình sự tủi thân rất lớn vì người đáng lẽ ra phải yêu thương, che chở cho Loan nhất thì lại là người đã từng nói dối, từng gạt cô như gạt một đứa ngốc nghếch. Vì thế mà Loan sống khép kín và thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Chuông điện thoại reo, là ông ngoại :
– Loan à, con về quê đi. Mẹ con… mẹ con nhập viện rồi. Mẹ con chắc sẽ…
Điện thoại tắt vụt. Loan sững sờ. Giọng nói của ông khiến cô linh tính có điều gì đó chẳng lành. Trong phút giây ấy, mọi giận dỗi bao năm qua trong cô dường như bị bão hòa và mờ nhạt đi. Loan chỉ nghĩ đến mẹ. Cô phi xe thật nhanh về bệnh viện. Đến nơi cô gặp ông ngoại, ông bảo mẹ cô đang trong phòng cấp cứu. Loan đi lại không yên trước cửa phòng, khuôn mặt vẫn khá lạnh lùng dù trong lòng đang rối bời. Ông gọi cô ngồi xuống, đưa cho cô quyển sổ tiết kiệm, ông bảo :
– Mẹ con gửi ông đưa cho con cái này.
Loan giở ra xem, con số trong sổ không quá lớn nhưng cô hơi ngỡ ngàng bởi quyển sổ mang tên cô. Ông ngoại giọng trầm buồn:
– Con ạ! Mẹ con đã cố gắng chắt chiu tiết kiệm cho con bao năm qua. Mẹ con bị bệnh từ trước khi chia tay bố con. Vì không muốn trở thành gánh nặng của bố con nên nó đã đòi chia tay. Nó bảo ông nhất định phải giữ bí mật với con, nó sợ con lo lắng. Khổ thân mẹ con, nó hiền lành vậy mà sao trời không thương. Bệnh tật bao nhiêu năm mà nó cứ chịu đựng, nó muốn sống để thấy con trưởng thành nên bao năm qua nó cố gắng tích góp chạy chữa thuốc thang khắp nơi. Ngay cả việc cắt thuốc nó cũng giấu con, lần nào về nó cũng giấu vào tủ khóa thật kĩ. Ngay cả khi con đi ở với bố không ngày nào nó không lo lắng cho con, nó tiết kiệm để mong có một khoản cho con sau này. Ông đã nhiều lần muốn nói với con về bệnh tật của mẹ con để con có thể chia sẻ nhưng nó nhật định không đồng ý…
Ông cứ nói trong nước mắt, còn Loan cũng nấc lên từ bao giờ, cô òa khóc trong đau đớn, tim cô như bị bóp nghẹt lại. Một lần nữa mẹ cô lại nói dối, lại giấu giếm sự thật suốt bao năm qua. Nhưng điều Loan hận bây giờ không phải là những lời nói dối của mẹ mà là sự lạnh nhạt, sự vô tâm, bồng bột của cô… Loan đã vô cảm với một người mà lẽ ra cô phải trận trọng, yêu thương, chia sẻ. Hai tiếng sau, mẹ cô không qua khỏi vì bệnh đã quá nặng. Vậy là Loan đã đánh mất điều thiêng liêng nhất, đánh mất những tháng ngày để có thể bày tỏ tình cảm với người Mẹ đáng trân quý nhất trong cuộc đời. Cuộc đời ngắn ngủi quá, chỉ vì một phút nông nổi của thời thơ dại, chỉ vì những đòi hỏi ngây ngô mà Loan lỡ gạt bỏ một tấm lòng đôn hậu, thương mến, chân thành, một tâm hồn thánh thiện. Cô như quỵ ngã, ân hận tột độ, cô chỉ còn biết tự nhủ mình phải sống thật chan hòa, yêu thương với mọi người xung quanh. Mẹ cô rồi sẽ hạnh phúc ở một nơi khác, nơi có những vì sao rạng rỡ mà cô vẫn ngóng theo từng đêm. Mỗi ngày Loan đều cầm tấm ảnh chụp chung hiếm hoi của hai mẹ con, thì thầm “Con yêu Mẹ, Mẹ ơi!”
Theo Girly.vn