Tết xưa, tết nay
Bây giờ thời buổi thông tin nhanh nhạy, người ta chúc tết nhau bằng điện thoại, bằng tin nhắn. Lời chúc tết có khi là bài thơ, bài vè, người nọ nhắn tin cho người kia, chúc nhau qua lại, quay vòng.
Ngoài trời gió chướng về xôn xao, tiết trời se lạnh, một vài nụ mai e ấp như báo hiệu Tết đã tới gần. Thế là chỉ còn vài ngày nữa thôi, chúng ta mỗi người lại thêm một tuổi. Dẫu biết rằng mỗi lần Tết đến, cả nhà đều bận rộn lo toan mọi thứ, tiền bạc tốn kém nhiều nhưng ai ai cũng bồi hồi, háo hức mong cho mau tới Tết.
Việt Nam có cả tết Tây, tết ta. Hàng năm đón Noel xong thì đón tết Tây rồi tùy theo từng năm có tháng âm nhuận hay không nhưng cũng chỉ chừng hơn tháng sau lại đến Tết ta rồi. Trong ký ức xa mờ của tôi, Tết xưa đến rất sớm. Mới nửa tháng chạp mà đầu trên xóm dưới đã bắt đầu tráng bánh và quết bánh phồng. Ngoài đồng, ai ai cũng lo gặt lúa mới. Trong làng, nhà quét dọn, kẻ tát đìa, các cụ già thì chùi lư, các bà các cô tất bật lo cho nồi bánh thịt cúng, rồi nào mứt gừng, củ kiệu, tôm khô… Ai ai cũng rộn ràng lo Tết, biến miền quê êm ả trở thành một ngày hội cháu con sum vầy. Giả sử như không có Tết, trẻ con làm gì có được những ký ức đẹp về buổi cơm đoàn tụ chiều ba mươi Tết và ý nghĩa thiêng liêng của đêm giao thừa, đặc biệt là tình cảm thân thương, trìu mến lúc làm tuổi ông bà! Ngày Tết là ngày bà con, họ hàng tề tựu đông đủ để chúc phúc lẫn nhau, là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo, vợ chồng gắn bó thủy chung, mọi người thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Tết là dịp để đoàn tụ gia đình nên ngày Tết dù ai đi đâu, xa hay gần, kể cả Việt kiều cũng trở về đoàn tụ với cha mẹ, ông bà, tiên tổ, về với quê hương, cội nguồn dân tộc.
Xưa người ta chuẩn bị tết cả tháng, có khi trước cả nửa năm như nuôi con heo để giành tết thịt, heo to thì chia ra mấy nhà chung nhau gọi là “ăn đụng”, tết sang năm nhà mình lại “ăn đụng” nhà khác. Vùng quê còn nuôi gà trống thiến, trước Tết một thời gian thì “hãm chuồng” để cho béo, Chợ quê giáp tết thật vui vói đủ mặt hàng: ống dang để chẻ lạt gói bánh, hàng lá dong xanh, quầy bán gạo nếp, đậu các loại, đường phên…
Gói bánh chưng cũng là lúc gia đình quây quần. Người lau lá dong, người gói, người chuẩn bị bắc bếp ngoài sân, bánh cho vô chiếc nồi to rồi nổi lửa luộc. Lũ trẻ gói những chiếc bánh xinh xinh, luộc chừng vài giờ là chín. Chơi đùa lúc đói thì vớt bánh ra, chờ thưởng thức. “Canh bánh chưng chờ trời sáng” cũng là dịp mọi người trao nhau những câu chuyện tâm tình.
Đêm giao thừa pháo nổ đì đùng, mọi người diện những bộ quần áo mới để giành cho Tết. Ngày xuân con cháu quây quần, chúc tết ông bà, cha mẹ rồi đi chúc tết họ hàng, xóm giềng. Khuôn mặt ai cũng hân hoan, tiếng chúc nhau ấm tình làng nghĩa xóm.
Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu đồng tiền mới lấy thơm lấy thảo, chúc con cháu chăm ngoan, học hành tiến bộ, thi đậu điểm cao, đạt thành tích tốt.
Người lớn chúc nhau mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt, làm ăn may mắn, phát tài, phát lộc, vạn sự như ý.
Các cụ chúc nhau vui khỏe để sống lâu với con cháu…
Trong không khí se lạnh với làn bụi mưa xuân bay bay, bữa cơm ngày tết thêm ấm cúng và ngon miệng, lễ hội cũng đậm chất tín ngưỡng dân gian.
Ngày tết cũng là dịp để ăn uống vui chơi thỏa thích, bù cho vất vả cả năm trời. “ Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết ” mà.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Người ta nói “ Vui như Tết ” đúng thật
Đấy là Tết xưa.
Thời gian cứ vô tình trôi mải miết, chẳng mấy chốc mà cuộc sống quá nhiều đổi thay. Tết bây giờ, cái gì cũng mới, ngày Xuân ngày Tết khó mà tìm được hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng trong chiếc áo bà ba ngồi gói bánh tét hoặc gõ bánh in. Ngay cả hình ảnh cụ già ngồi chùi lư cũng đi vào quá khứ. Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, những gì gọi là Tết xưa, Tết cũ đã dần dần nhạt mờ theo năm tháng. Số người nặng lòng với quá khứ ngày càng giảm đi. Thế nhưng, cái cũ mất đi, cái mới lại ra đời. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu củ hành… và cả những tín ngưỡng trong ngày Tết cũng không còn nguyên vẹn ý nghĩa như xưa.
Bây giờ Tết vẫn vui, vẫn rộn ràng. Đời sống đi lên, những đồ tết như bánh chưng, giò chả gói sẵn, trái cây 3 miền, hoa đào, hoa mai có đủ, bán đầy siêu thị, thậm chí có cả hoa giả, trái cây giả giống như thật, muốn gì có đó nên người ta không còn nghĩ tới ăn nữa mà nghĩ tới đi chơi, đi lễ hội, đi du lịch. Người ít tiền đi du lịch trong nước, người rủng rỉnh thì đi du lịch nước ngoài. Lượng người về quê thăm ông bà cha mẹ cũng ít hơn xưa. Người ta sắm cho ông bà, cha mẹ…chiếc điện thoại rẻ tiền cho dễ sử dụng rồi chúc Tết ra quê bằng điện thoại, có khi chỉ gửi chúc bằng tin nhắn khiến nhiều cụ phải lấy kính lúp soi mới đọc được. Người già thấy buồn, nao nao một nỗi niềm khó tả, một nỗi nhớ khôn nguôi vì muốn gặp mặt con cháu, lũ trẻ thì vui vì có thời gian đi du lịch.
Bây giờ thời buổi thông tin nhanh nhạy, người ta chúc tết nhau bằng điện thoại, bằng tin nhắn. Lời chúc tết có khi là bài thơ, bài vè, người nọ nhắn tin cho người kia, chúc nhau qua lại, quay vòng.
Cứ vậy, cái Tết ngày một nhạt dần.
Có lẽ hạnh phúc nhất là những người ngày tết còn ông bà, cha mẹ để đoàn tụ khi họ về thăm quê.
Lì xì, hay mừng tuổi, là một phong tục đẹp đẽ mang ý nghĩa cầu mong may mắn, hạnh phúc đến trong năm mới, là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Thế nhưng gần đây tục lệ này đang bị nhuốm màu tiêu cực, trở thành gánh nặng của nhiều người.
Tết bây giờ tục “ lì xì ” cũng khác xưa. Trẻ con đi chúc tết chỉ chăm chăm chờ lì xì. Nhiều trẻ học thuộc lòng câu chúc tết, ai lì xì cho cũng có một câu đó, hệt như mở băng ghi âm. Nhận xong thì mở ra coi xem có bao nhiêu rồi chạy khoe nhau đứa nhiều đứa ít.
“Ba mẹ cứ lo tiếp khách còn tiền lì xì thì để con lo”. Con trẻ thời @ bây giờ nói vậy.
Đấy là trẻ con, người lớn cũng có kiểu lì xì của người lớn. Quà tết là dịp để trả ơn trả nghĩa, nhờ cậy, gửi gắm… giỏ quà tết chỉ là vật che kín đáo “ cái gì ” bên trong…
Tết xưa đi chùa, đi lễ hội với tấm lòng thành kính, có cái gì đó thật thiêng liêng, xuất phát từ trong tâm khảm. Tết nay nhiều người đi chùa, đi lễ để xin lộc, cầu tài. Người ta chen nhau dâng heo quay, gà luộc, xôi chè…với những đồng tiền lẻ đặt dưới chân tượng Phật, Thần, Thánh. Nhiều nơi lợi dụng bá tánh mà kinh doanh, trục lợi.
Tết xưa có chén rượu nấu từ gạo nếp, hương thơm đượm hồn quê. Uống vài chén mừng xuân, ít có những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, ít thấy đánh lộn, chửi nhau ngày năm mới. Bây giờ Tết có khi xảy ra án mạng do “ba say cũng chưa chai”. Đời sống đi lên, ô tô, xe máy nhiều lên, tai nạn giao thông địp Tết nhiều hơn ngày thường. Tết xưa thực phẩm sạch, heo gà nuôi từ cám gạo, ngô khoai, thịt chắc và thơm. Tết nay thực phẩm chủng loại phong phú nhưng nỗi lo “an toàn” luôn treo lơ lửng trên đầu.
Tết là niềm vui, hạnh phúc của người này nhưng cũng là nỗi buồn lo, tủi phận của người khác
Lễ nghĩa, thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa trong tết xưa có vẻ đang mai một dần.
Tết đúng là đặc sản tinh thần của người Việt Nam. Mặc dù trải qua bao biến đổi thăng trầm, nhiều tập quán cũ, lạc hậu đã dần dần lùi vào quá khứ, nhưng đa số bà con ta còn giữ được một số phong tục Tết cổ truyền có tính nhân văn cao cả. Tết Việt Nam không những dành cho người sống mà còn cho người chết. Vì thế, không gian thờ cúng cũng chính là nơi gặp gỡ và thể hiện mối giao cảm của con cháu đối với người đã khuất. Những tình cảm thiêng liêng đó luôn luôn được phát huy và ngày càng khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một số gia đình vẫn tin tưởng vào tục mừng tuổi, hái lộc, khai trương, khai bút, xuất hành… Chính những hoài bão và ước mơ đó sẽ giúp cho con người lạc quan tin tưởng và trong lòng cảm thấy bừng lên một sức sống mới, một thứ hạnh phúc vĩnh cửu mà ai ai cũng thầm mơ ước:
“Hoa khai phú quý/ Kim ngọc mãn đường” hoặc “Xuất nhập bình an”
Theo Girly.vn